KỈ NIỆM CHIẾN TRANH
Tháng 12/1969, Lão Đồ nhập ngũ, bổ xung quân cho đơn vị huấn luyện đi B.
Chả hiểu sao đơn vị này lại thiếu nhiều quân số đến thế. (Phải là bây giờ thì
hiểu ngay. Nhưng ngày đó ngây thơ trong trắng lắm nên…). Năm đó trúng vào đợt
tổng động viên toàn quốc. Dù sức khỏe loại B2, lại đang học lớp 10 (hệ 10/10
phổ thông) vẫn được ưu tiên ra chiến trường. Trước lúc lên đường, còn kịp nhờ
cô bạn cùng học gần nhà: Nghe nhà trường phổ biến là những người nhập ngũ đợt
này được trao bằng tốt nghiệp đặc cách. Bạn ở nhà khi nào người ta gọi phát
bằng tốt nghiệp, nhớ rủ thày tớ đi nhận cùng”. Rồi Lão nghe theo tiếng gọi núi
sông, lên đường cứu nước… Đơn vị Lão đã huấn luyện gần xong chuẩn bị đi B. Lão
hỏi trung đội trưởng: Anh ơi, em chưa được huấn luyện mà cũng phải đi B à?. Anh
cười cười. Cần gi phải huấn luyện, cứ vào chiến trường khác biết đánh nhau
tuốt, lo gì…?
Đầu năm 1970, Lão vào đến miền đông nam bộ. Được bổ xung vào công trường
9 (sư 9 bộ binh), đơn vị anh hùng quân giải phóng. Vinh dự đầy mình.
Sư đoàn của Lão có một tiểu đoàn quân y, số hiệu “D33”. Lính ta cứ nghe
nhắc đến đơn vị này thì mắt anh nào cũng chợt sáng lên. Số là cả sư đoàn có
trên một chục cô em gái. Mấy cô xinh xắn dễ thương nhất được biên chế về “C1
Chính Trị” để phục vụ sức khỏe các lãnh đạo. Vài cô về C3 làm y tá đơn vị. Cô
Sáu, con gái tư lệnh sư đoàn 9 Út Thới về làm việc tại ban quân y sư đoàn
(thuộc C3). Khoảng hơn chục cô còn lại đều tập trung ở tiểu đoàn quân y (D33).
Sở dĩ cả đám lính tráng dưới trung đoàn, mỗi khi nhắc đến cái tên “D33” đều
hình tượng đến cái… “mu con rùa”. Khổ nỗi quanh năm ở rừng chả nhìn thấy người
khác giới. Có lần hành quân bắt gặp hai con khỉ lớn đang truyền tay nhau đứa
khỉ con. Cả lũ dừng chân ngắm nhìn hau háu, mặt ngẩn ngơ... Thằng Lỷ dân Thanh
Hóa, mệnh danh “ăn rau má, phá đường tàu” có vợ và con nhỏ mới sinh trước lúc
đi B. Tối đó về ngủ nó nằm mê cứ khóc nức nở từng hồi. Hỏi tại sao? Nó mếu máo;
Tao nhớ nhà lắm… Thật tội quá…?
Bởi sự “khan hiếm” đến thế cho nên chuyện về các cô D33 đều được truyền
tai nhau đồn thổi khắp sư đoàn… D33 có 2 cô tên là Hồng. Tuy rằng trước lúc gia
nhập “quân giải phóng” các cô đều có cái tên rất dân dã như cái Tí, cái Tẹo.
Nhưng đều đổi ra tên mới cho nó… dễ thương. Cô Hồng thứ nhất có tên “Hông Nhỏ”,
người trắng trẻo, nhỏ nhắn nhưng chắc lẳn, làm chức vụ… chị nuôi của bệnh xá.
Cô được nhiều anh lính để mắt tới. Tuy không xinh gái, nhưng được cái thùy mị,
hiền lành dễ mến…
Hồi đó có anh lính người Hà Nội vào viện. Anh bị sốt rét còng cả lưng,
đầu trọc lóc… Vào viện được nửa tháng thì cắt sốt, người bớt xanh, sức khỏe dần
hồi phục. Anh chàng này hay la cà xuống nhà bếp trò chuyện với cô Hồng. Dần dần
hai người có tình ý với nhau. Nhưng chuyện đến tai lãnh đạo. Lập tức cô Hồng
được gọi lên gặp chính trị viên. Chẳng biết cô được cấp trên nhắc nhở thế nào
mà từ đó, cô có ý lảnh tránh anh chàng Hà Nội.
Bốn giờ sáng, như thường lệ, cô Hồng Nhỏ trở dậy nhóm bếp nấu ăn cho đơn
vị. Anh chàng Hà Nội lò dò lần xuống bếp. Căn bếp rộng chừng 10 mét vuông, nằm
sâu dưới đất khoảng hơn một mét, lợp lá Trống Quân dày, kín bưng. Anh ngồi ở
bậc cửa lên xuống nói chuyện với cô Hồng. Anh bảo: Tại sao hồi này em cứ lảng
tránh anh. Cô Hồng lặng lẽ làm việc không muốn trả lời. Mà biết trả lời sao
chứ?. Anh Hà Nội bèn xấn đến gần kéo tay cô gắt. Em phải nói gì với anh đi chứ.
Nếu không… Anh sẽ chết cho em coi. Cô Hồng hoảng sợ vội vùng tránh ra bên. Anh
Hà Nội một tay túm áo cô Hồng, một tay rút chốt quả lựu đạn bi (Loại lựu đạn
sát thương do TQ sản xuất, trang bị cho lính bộ binh). Nghe tiếng đầu nổ kêu
“bép” một cái. Cô Hồng hiểu ngay sự chẳng lành. Vội ráng hết sức xô anh chàng
ra và chạy vội lên bậc cửa bếp. Đoàng… tiếng nổ đanh gọn vang lên trong buổi
sớm mai rúng động khắp rừng. Cả trạm xá vùng thức giấc, đổ xô về bếp ăn. Người
ta thấy anh chàng Hà Nội vỡ toang ổ bụng, ruột văng tung tóe nằm gục cạnh bếp
Hoàng Cầm đang cháy rừng rực. Mùi thịt cháy khét lẹt. Cô Hông nằm phủ phục giữa
bậc lên xuống, máu chảy lênh láng…
Ngày hôm sau cả đơn vị đến thăm cô mới hay cô chỉ bị mấy mảnh lựu đạn găm
vào… mông. Từ đó cô có tên “Hồng… Mông” hay “Hồng Lựu đạn”… Chuyện nổi tiếng
khắp miền Đông Nam bộ
hồi bấy giờ.
(còn nữa)
2 nhận xét:
Kể nửa đi lảo, vui buồn gì cũng dc miển là thật. Cám ơn
Hả... tất nhiên là chuyện thật chớ bộ... He he he.
Đăng nhận xét