Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Số 109-2013: Truyện của Lão Hồ Đồ.

Truyện ngắn

CỤ TRẺ VỀ LÀNG

“Nhiệt liệt chào mừng Cụ trẻ về thăm quê…”. Tiếng loa vang vang đầu xóm. A lô, hôm nay nhân ngày giỗ tổ. Làng ta vô cùng phấn khởi nhiệt liệt chào đón “Cụ Trẻ Lớn” từ Thủ đô xa xôi về thăm quê nhà...". Ông chú gầy đét, chân đất mắt toét nhoèn, tay cầm loa giơ cao, giọng oang oang: Mời bà con đứng vào hai bên đường, tay giơ sẵn. Hễ Cụ trẻ đi đến đâu thì chỗ đó mới được vỗ tay hò reo… nhớ chưa?. Có tiếng cười rộ lên tận cuối hàng người.

Thôi Chú đừng gọi loa làm gì. Bây giờ thế kỉ 21 rồi. Cái loa tay có từ thời chống Pháp, thôi bỏ đi… Ừm… có gì mà long trọng thế. Tôi về chơi thôi mà.

Vậy mời Cụ trẻ về đình ạ… Ông chú lom khom chạy trước dẹp đường. Cụ trẻ quay lại mấy người đi theo nói gì đó. Cả đám ở lại bên chiếc xe đen bóng đỗ ngoài đầu làng.

Dạ mời Cụ trẻ vào đình ạ… 

Chú ơi, cháu là bậc hậu bối. Chú đừng xưng hô thế, cháu ngại…

Nhưng đây là quê ta, đất lề quê thói. Cả họ ta có Cụ trẻ làm quan lớn triều đình. Cụ về quê là cả huyện, cả xã, cả làng, cả họ đều vui mừng hãnh diện chứ…

Nhưng cháu là bậc con cháu. Theo thứ bậc thì chú là bề trên. Cháu chẳng dám…

Ấy không không, Cụ trẻ đừng nói thế. Chú ngài làm thông tin viên của xã. Đón tiếp các quan trên về đều phải như thế. Nó quen mồm không sửa được. Dạ, mời Cụ trẻ lên chiếu trên ạ… Tiếng trống ngũ liên dồn dập phía xa. Cụ trẻ vội xua tay: Thôi thôi, đừng long trọng quá làm gì...?

Tại sân đình, cơm rượu đã bày la liệt. Các cụ già râu tóc bạc phơ, lập cập chống gậy vào ngồi, đến bậc tuổi 60 rồi 50… chiếu nào ra chiếu ấy, đã được đánh số phân cấp rõ ràng. Cụ trẻ, mời cụ lên chiếu trên ạ… Lão Thông tin viên lom khom đi trước dẫn đường. Cụ trẻ ngồi một mình một chiếu dưới chân bệ thờ ngó nhìn khắp đình. Bỗng một thằng trẻ măng, chân đất, mặt gầy, mắt sáng, dáng lực lưỡng bước vào. Theo sau một con chó rất to lông vàng rộm, cổ đeo một chiếc khánh bằng đồng mạ vàng lấp lánh rón rén bước theo. Ông Thông tin viên lon ton chạy đến thưa: Dạ, mời Trưởng họ lên mâm ạ. Cám ơn cụ… Gã trai đến trước mặt Cụ trẻ, khoanh tay cúi chào lễ phép: Dạ thưa Cụ trẻ. Cháu đích tôn đời thứ 10 dòng họ Nguyễn, có lời kính chào Cụ trẻ bề trên ạ. Thằng trai tự khoanh chân ngồi vào chiếu trước mặt Cụ trẻ. Con chó vàng lặng lẽ quỳ phục bên cạnh, ngoác mồm thè cái lưỡi đỏ lòm dài thượt thở hồng hộc. Thằng trưởng họ nhanh tay so đũa, lau bát, rót rượu đặt trước mặt cụ trẻ, thưa: Dạ, cháu kính mời cụ trẻ xơi rượu ạ.

Cháu giờ đang làm nghề gì. Cụ trẻ ân cần hỏi han.

Dạ thưa Cụ trẻ, cháu làm kinh doanh ạ.

Ừa, thời “kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa”. Thanh niên trai trẻ như các cháu cũng phải tiến bộ theo kịp đà với đất nước. Cháu ra kinh doanh là đúng định hướng rồi. Ráng góp công góp sức dựng xây đất nước tươi đẹp, phồn vinh theo nghị quyết của đảng cháu ạ…

Dạ thưa Cụ trẻ, cháu chỉ làm kinh doanh nhỏ thôi ạ. Chả dám mơ đến cao xa như thế.

À… Vậy cháu kinh doanh sản phẩm gì?

Dạ… chẳng giấu gì cụ, cháu kinh doanh cái giống này đây.

Hả… Cụ trẻ tròn mắt. Cháu kinh doanh Chó…?

Dạ thưa Cụ trẻ. Chó vốn là giống dễ nuôi dễ dạy. Cháu nhớ câu ca: “Con không chê mẹ khó. Chó không chê chủ nghèo”. Nó vốn là con vật trung thành và rất biết ý chủ đấy ạ. Cháu giới thiệu với Cụ trẻ, đây là con Bớp. Nó lãnh đạo toàn bộ đàn chó của cháu. Nó với cháu không bao giờ rời nhau nửa bước. Cháu ở đâu là có nó ở đó đấy ạ. Dạ mải huyên thuyên. Cháu mời cụ trẻ gắp đi ạ. Cụ trẻ cầm đũa vừa chạm vào đĩa thức ăn, thì “Gâu…!. Con Bớp bất thần sủa một tiếng vang dội. Cụ trẻ giật bắn người, co vội tay về rơi cả đũa. Bớp…! Tiếng gã Trưởng họ quát ông ổng. Nằm yên...!. Dạ xin lỗi Cụ trẻ, cháu chưa kịp nói để Cụ rõ. Con chó này có trách nhiệm giữ gìn an ninh trong họ ngoài làng ta đó ạ. Hễ người lạ vào làng là nó để mắt canh chừng. Đi vào thì không sao, nhưng ra khỏi làng thì nó ngăn lại không cho ra. Chỉ khi cháu ra lệnh thì nó mới cho đấy ạ. Cụ gắp thức ăn là nó sủa. Dạ, để cháu gắp mời cụ trẻ ạ. Quả thật, thằng cháu gắp miếng thịt gà đồi vào bát của Cụ trẻ thì con chó nằm im…

Vậy là cụ hiểu rồi. Con chó này khôn đấy.

(còn nữa)

Không có nhận xét nào: