Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Số 344-2014 - Chuyện công sở... THỜI TRONG TRĂNG (tiếp và hết)

Phần 3: THỜI TRONG TRẮNG TA ĐÂU...?

Thằng Tùy nhấc ống nghe bấm số. Bên kia tiếng cái Ngát vọng trong tổ hợp, nghe như xa như gần. Dạ, Ngát nghe đây ạ. 

Chồng mày mấy bữa đi đâu tao không nhìn thấy?

Dạ anh nhà em đi cơ sở từ đầu tuần. Chắc chiều nay mới về ạ.

Bảo nó bàn giao công việc xong, tranh thủ nghỉ ngơi rồi chiều gặp nhau nhé…

Dạ dạ em nhớ rồi ạ.. Em chào anh… Tiếng cái Ngát tắt ngấm bên kia đầu dây. Thằng Tùy đặt ống nghe. Mắt nó nheo nheo, trán nhíu lại…?. Cái sở này quanh năm vắng như chùa Bà Đanh, khách khứa lèo tèo. Làm chân bảo vệ như thằng Tùy cũng nhàn tênh. Cả ngày ngồi không đuổi ruồi mãi cũng thấy buồn… Hôm nay thứ sáu. Mai thứ 7 là ngày nghỉ. Đợi chúng nó về đầy đủ rồi tính… Thằng Tùy lẩm bẩm: Vậy là thằng Thinh đã rời sở được hơn nửa năm rồi. Nó về làm phó ở một công ty trực thuộc nhỏ xíu ở tận huyện xa. Nó bảo: “Chẳng có quyết định kỉ luật gì cả. Nhưng cứ như là bị giáng chức ý…”. Trong đám bạn cũ, thì nó riêng một tính một nết, chẳng giống ai. Nhưng lại là thằng bạn tốt. Tính nó thẳng thắn, có hơi thô lỗ, nhưng thật… Nói thì nói vậy, cùng lứa với thằng Tùy có thằng Thinh Râu, thằng Vĩ đẹp giai, thằng Hả vi tính, rồi đến cái Ngát… Hồi còn quây quần đông đủ, thấy vui ra trò. Giờ thì tứ tán mỗi đứa mỗi nơi. Đứa về 176, đứa hưu non, đứa thuyên chuyển công tác. Đến cái thằng “Lô chuyên viên” cũng đi tối ngày chẳng thấy mặt… Ờ mà bữa nay thứ 6, hết tuần rồi đây. Thằng Tùy lại với ống nghe trên chiếc máy điện thoại cũ mèm phía trước mặt. Nó nhấn số: Mày đang ở đâu…

Tiếng thăng Lô gắt gỏng. Đang bận tối mắt lên đây. Có chuyện gì?

Phải có chuyện gì mới gọi cho mày được à? Tao vừa gọi cho vợ mày. Nó bảo trưa nay về phải không?

Ừ, khoảng qua trưa một tí. Còn ăn chiêu đãi cuối đợt công tác chứ. Đỡ phần cơm vợ…

Hừ, bộ không nhớ vợ sao. Đi cả tuần chứ ít gì? Thôi, tao đang họp. Có gì về mới nói nha.

Ừa, hẹn chiều nay đấy. Thằng Tùy nhấn vào nút tắt máy điện thoại. Nó ậm ừ trong miệng rồi lại bấm số. Tiếng thằng Thinh râu ọ ẹ ở đầu dây… Tao Tùy đây…?

Cái giề?

Giề cái con củ… giề. Hôm nay thứ 6, chiều mày có về trên này không.

Không về thì đi đâu. Dưới này buồn bỏ mẹ, cả tuần chả thấy ai… Có gì không.? Thằng Thinh Râu hỏi.

Có, chiều về nhé. Bọn tao đợi.

Ừa… À này… ! Tiếng đặt máy nghe cái rộp. Thằng Tùy nhấc vội tai nghe ra xa. Nó nheo mắt nhìn cái tổ hợp như nhìn một sinh vật lạ từ trên trời rơi xuồng, khẽ lắc đầu: Cái thằng… Hừ…? Thằng Tùy đặt ống nghe, mặt đẫn ra. Được một chốc nó lại nhấc máy: Trưa qua chỗ tao cầm tiền đi mua thêm ít đồ nhậu.

Dạ.

Chiều chúng nó về cả đấy.

Dạ… Nghe rõ chưa mà cứ dạ hoài vậy. 

Dạ, em rõ rồi ạ…?

Chuông đồng hồ trên tháp bưu điện thành phố gõ bính boong… Thằng Tùy giơ tay xem đồng hồ. Mồm nó lẩm bẩm: Hết giờ rồi đây… Làm nhiệm vụ bảo vệ nên nó bao giờ cũng chờ cơ quan về hết người mới đóng cổng. Đi kiểm tra cửa giả một vòng. Đợi đứa khác đến thay ca mới rời chỗ làm. Nó lững thững vào nhà để xe. Dắt chiếc Drem Thái cũ kĩ ra trước sân. Lấy núm giẻ rách lau sạch những đám bụi mỏng trên đầu xe, thân xe… Nó xăm soi từng chỗ, lau kĩ càng, tỉ mỉ như chăm sóc đứa con còn bé… Nắng chiều úa màu trên tàn cây bên kia phố. Giờ đã cuối thu. Gió đã lạnh. Con đường xao xác lá khô bay. Trước sân, bên thềm nhà làm việc. Lá khô theo gió vun vào từng đống. Cô lao công đã đến giờ làm. Cô xắn tay áo cầm vòi nước phun khắp sân rồi vung cây chổi dài quét vun từng đống lá rụng. Nhìn dáng lam lũ của cô, thằng Tùy bất chợt thở dài. Nhớ ngày trước, cô ấy còn là một cán bộ của sở, đã về nghỉ đợt 176. Chồng chết vì ung thư. Ở vậy nuôi 2 đứa con ăn học. Vất vả cả đời, cuộc sống thiếu thốn, kham khổ, chẳng dám ăn, chẳng dám mặc. Có đồng nào giữ chặt để giành cho con. Vậy mà cũng chẳng thành. Đứa con gái lớn thi trượt đại học. Đành đi học trung cấp xa nhà. Thời nay đại học ra trường xin việc đã khó. Cái thứ trung cấp òng èng, lại không tiền thì đừng có mơ… Đang nghĩ vẩn vơ. Thì chú bảo vệ đến thay ca giục: Bác về đi. Em đến nhận trực rồi đây… Thằng Tùy không nói gì, lặng lẽ đội mũ, lên xe nổ máy vọt đi. Con đường láng nhựa phẳng lỳ rộng thênh thang, chỉ đông người vào lúc tan tầm. Giờ đã trở nên thưa thớt hơn. Những bóng nắng nhàn nhạt lăn lóc trên thảm lá vàng phủ dày mặt đường. Tất cả cứ nhấp nhóa, chập chờn sau kính mũ xe máy. Rẽ vào con ngõ sâu, dừng trước một căn nhà nhỏ. Thằng Tùy dựng xe máy sát bên hè, cạnh cái sân nhỏ như chiếc chiếu. Vừa treo cái mũ vào tay lái, đã nghe tiếng thằng Thinh râu oang oang: Ban tổ chức éo gì mà lại đến muộn. Chúng tao đợi mỏi cả… mồm ra. Rượu thịt ê hề mà chỉ được nhìn. Thôi mau lên kẻo nguội hết, mất ngon…

Thằng Tùy cởi áo khoác, ra phía sau rửa tay. Cái Ngát má đỏ lựng vì khói tuôn ra từ cái bếp than tổ ong, đặt phía cửa sau. Khói quá vậy mày.

Dạ, là em mới cho thêm cục than, tính đun siêu nước đặng ăn xong pha trà… Anh Lô nhà em mới mua được ít trà Thái Nguyên. Bảo đợi các anh đến mới hãm một ấm đãi khách…

Hà hà. Thằng này “ngoan” gớm nhể… Thằng Tùy ngồi xuống mâm đã thấy thằng Thinh Râu loay hoay mở nắp chai rượu “tây”. Màu rượu nâu xẫm sóng sánh nhìn thấy xốn con mắt. Nó trịnh trọng tuyên bố. Bữa nay tao khao chúng mày chai rượu tây… rởm. Nói là rởm nhưng lại thật. Bởi nó là thứ rượu nhập cả thùng lớn về, đóng chai tại Việt Nam. Chất rượu là thật. Chai thì rởm. Chúng mày coi đây. Nếu là rượu nhập nguyên chai. Trên miệng chai bao giờ cũng có viên… bi. Nó có tác dụng ngăn không cho rượu trào mạnh khi rót. Loại này không có thứ đó… Uống thì biết. Chất chẳng kém gì. Có khi còn hơn hẳn hàng “nhái xịn” do Trung Quốc sản xuất, bán đầy ngoài kia ấy chứ…?. Nào mời… Cả bốn đứa cùng nâng ly. Tiêng ly chạm nhau lách cách… Thằng Thinh Râu đớp ực ly rượu rồi “khà” cái thật to, lẹ làng đặt ly xuồng mâm. Nó bảo: Tao sắp có lộc hưởng. Tháng sau tao được cấp trên cho một “quả” du lịch dối già. Hình như là đi Trung Quốc thì phải. Đi bằng tiền… chùa hẳn hoi nhá.

Thằng Tùy láu táu: Sao bỗng dưng người ta lại ưu ái đột xuất cho cái thằng “cùn rỉ” như mày thế nhở?

Sở mình có mỗi tao thôi. Tập trung về bộ rồi đi cả đoàn…

Mày nói tao chả hiểu gì sất?

Cứ từ từ khác hiểu. Nào, nâng cốc mừng cho tao… ha ha.

Tiếng cười của thằng Thinh Râu tỏa nhanh tan loãng giữa chiều cuối thu nhạt nắng. Cuộc nhậu chợt nhộn nhạo hẳn lên. Cái Ngát bảo. Em nghe nói cái thứ rượu tây nó bốc nhanh lắm. Mới vài chén mà em đã thấy choang choáng rồi. Thôi để em lấy chai rượu ngâm thuốc bổ ra mời các anh. Chỗ còn lại đó để hôm sau nhậu tiếp. Kẻo uống vào quá đà lại không ăn được gì, sợ mệt… Em có nấu nồi cháo gà  trên bếp. Nhậu xong làm mỗi người một bát cho ấm bụng… Chà, cô em út bao giờ cũng chu đáo… Hoan hô.

Một năm sau…

Thằng Tùy oang oang. Mà này, cái vụ đi du hí của mày thế nào? Kể đi chứ. Ừ, thì kể. Số là vừa rồi nhân sự của sở có thay đổi. Lão Phi bật về bên ủy ban với cái chức… phó văn phòng. Ngài “Tú Hoàng tử” ngồi vào ghế giám đốc. Hôm ấy ngài cho gọi tao về sở. Pha trà mời hẳn hoi. Ngài bảo: Bác ở dưới công ty cả năm rồi. Hơn nữa, bác cũng đã có tuổi. Để bác đi lại xa thế, lãnh đạo sở thấy cũng ái ngại. Chuyến này anh em chúng tôi đã bàn thống nhất, đưa bác về trên này. Lâu nay phòng nghiệp vụ luôn thiếu người có khả năng như bác. Vả lại đám trẻ còn thiếu kình nghiệm. Không có bác ra tay giúp thì gay lắm. Nghe cái giọng ngọt xớt đầy vẻ ban ơn ấy. Tao tức quá bật luôn. Tôi hiểu ý của anh. Nhưng tôi cũng hiểu rất rõ rằng, đến Bác Hồ chết còn có người thay. Chứ tôi có hay không cũng chẳng phải là quan trọng…? Tôi xin được nghỉ hưu sớm theo nghị định 132... Đề nghị lãnh đạo giải quyết. Vừa nói tao vừa đưa tờ đơn đánh máy, đã kí sẵn chìa trước mặt nó. Ngài Tú sa xầm nét mặt, quay ngoắt đi. Chẳng thèm nói thêm câu nào. Lúc tao đứng dậy, xin phép về làm việc. Hắn chỉ ậm ừ nhưng chẳng thèm nhìn tao lấy một cái… Thằng Thinh Râu chít một hớp rượu buông tiếng thở dài.

Thằng Tùy kêu lên: Mày còn cả gần hai năm nữa mới đến tuổi. Tội gì về sớm thế?.

Tao phải về thôi. Sẵn có ít tiền người ta trả theo chế độ. Tao dựng cái nhà, làm mảnh vườn nhỏ ở quê. Sống nốt những ngày cuối đời cho nó thanh thản…

Thằng Tùy bật ra một tiếng “hừ” nho nhỏ. Thằng Thinh Râu bỗng trở nên trầm lắng. Giọng thủ thỉ như nói với mình. Tao đã thấy mệt mỏi rồi, cũng muốn nghỉ ngơi. Vả lại mình còn cố ở lại thì người ta lại dè bỉu, gièm pha là tham quyền cố vị… Rồi người ta sẽ tìm cách diệt mình, để đưa người của họ vào thế chỗ, tạo vây cánh, phe nhóm. Đợi đến lúc ấy thì chẳng ra gì nữa. Cần phải dừng lại đúng lúc… Thật ra, người ta muốn tao về nghỉ. Trước khi đi, tao là trưởng phòng. Bây giờ về làm phó cho cái đứa đáng tuổi con mình. Bằng tại chức, mặt lúc nào cũng câng câng… Ai không biết nó là con cháu nhà sếp. Lâu nay nó vào xí chỗ để đi học tại chức. Tao hướng dẫn, bảo ban nó chứ ai? Nghĩ mà … đắng trong lòng.

Tao thấy mày sử lý thế là kém. Mày cứ ngồi đấy. Ai làm gì được mày. Thách đứa nào bẩy được mày đi đấy…?

Nhưng tao không còn ham hố gì nữa.

Thằng Tùy nóng nảy: Mày rời khỏi một cái, là lập tức có đứa thế chân ngay. Hàng chục hồ sơ nằm sẵn trên bàn giám đốc kia. Xưa nay ai không biết người ta tuyển người vào chỉ nhằm mục đích để… hầu hạ. Chứ để làm việc chỉ là phụ, là cái cớ thôi. Không những thế, một khoản thu “bất thường” rơi vào túi sếp tức thì. Đâu có nhỏ, hàng trăm triệu đó mày. Mày thì lương cao. Lũ mới vào lương thấp tè. Vừa được tiền, vừa được thêm nhiều đứa hầu hạ… Ồi, chỉ có được, đâu có mất gì, ai không ham chứ. Tao tin là mày có biết. Bây giờ, đất nước mình giống như cái “bị rách đựng tiền”. Còn họ thi nhau xâu xé, giành giật vơ vét, cưỡng đoạt... Họ vay nợ người ta thật nhiều. Bảo mang về xây cái  nọ, làm cái dự án kia... Nhìn qua nhìn lại chỉ thấy họ hàng con cháu của họ “đoạt” được dự án. Có thấy ai ngoài họ đâu. Lũ chúng xây thì ít. Hè nhau ăn cắp thì nhiều. Chỉ con cháu chúng ta sau này è cổ ra mà gánh nợ. Trả bao giờ mới xong?

Ừ, mày nói cũng phải. Tao mất nhiều đêm không ngủ. Đắn đo suy nghĩ mãi cũng chẳng tìm được cách nào tốt hơn… Thức đêm mới biết đêm dài. Nằm trong chăn mới biết chăn có rận. Tức cảnh sinh tình. Tao mới viết một bài thơ đây. Cũng để tặng chúng mày như một món quà tinh thần, một lời tâm sự.

Đâu đâu, đưa tao xem. Thằng Tùy láu táu giành lấy tờ giấy trên tay thằng Thinh Râu. Nó giương mục kỉnh, bất đầu đọc:
                       …
Ta đánh mất cuộc đời mình, duy nhất,
Một thủa chiến tranh, một thời hòa bình,
Thời trong trắng và cả thời không trong trắng,
Đâu biết hết ngoại xâm, mình lại tự chiến tranh.

Hà hà… mấy câu này nghe triết lý quá. Cái gì đánh mất…? Thằng Lô thủ thỉ: Đó chính là nỗi đau không của riêng ai. Là cái đã mất đi không bao giờ thấy nữa…

Thằng Tùy gắt. Nói như mày tiêu cực bỏ mẹ đi ấy. Làm gì mà lại mất… tao với chúng mày vẫn còn sống nguây nguẩy cả đây thôi…?.

Thinh Râu thủng thẳng: Nói như thằng Tùy là nói cái hiện tượng, cái hình dáng bên ngoài ai cũng nhìn thấy. Còn cái mất kia là cái tinh thần, cái lòng tin, cái bản chất tốt đẹp. Thứ mà ai cũng bị mất nhưng chẳng mấy ai nói ra…? Thằng Tùy lẩm bẩm đọc tiếp:

Ta lý tưởng hay ta từng ảo tưởng,
Mơ xây thiên đường trên đỉnh trăng sao,
Ta làm người sao cứ là thần thánh,
Chẳng nhận ra ta - kẻ chân đất thủa nào…

Đọc đến đây, giọng thằng Tùy chợt chùng xuống. Tao hiểu rồi. Có lẽ mày đúng. “Chẳng nhận ra ta, kẻ chân đất thủa nào”… Nghe nó mới xót lòng làm sao. Mãi rồi tao cũng nhận ra sự thật đau đớn… 

Giọng thằng Thinh lại trở nên xa vắng. Có những thứ nghe một lần chưa tin. Nghe nhiều, nghe lâu rồi thì cảm thấy đúng đúng. Nghe mãi thành… đúng thật. Cứ nói dối mãi thành quen. Đến khi mình nghe mình nói dối, lại cứ tưởng là… thật. Chậc, người ta đến là lạ.

Hàng triệu người đã đi qua thời trong trắng,
Nhận lấy trống không một mảnh… con người,
Nhận muôn năm, nhận riêng mình… vĩ đại,
Ta tự hỏi mình…
                      “Thời trong trắng ta đâu…”?

Thời trong trắng ta đâu…?. Thời trong… trắng… ta.. đâu?. Ừ, nó đâu rồi nhỉ… Cái thời bọn mình cầm súng ra đi ấy. Hàng triệu con người, hàng triệu lá đơn. Dù là có vận động, ép buộc… nhưng cũng có phần tự nguyện, có tấm lòng thật… Nhưng cái thời trong trắng đó bây giờ ở đâu. Khi chỉ còn là nỗi ẩn ức của bao người…!

Thôi thôi, các anh ơi, thơ với chả thẩn. Nguội hết cả đồ ăn rồi. Để em hâm lại cho nóng. Nhậu tiếp đi các anh… Tiếng cái Ngát vừa chao chát như thúc giục, vừa như trách móc, làm cả bọn chợt tỉnh. Thằng Lô nhẹ nhàng hỏi:


                                       Ngày trở về... (Hình bản quyền của LĐH)

Vậy là mày nghỉ thật hả. 

Chứ sao. Tao đã quyết định rồi, đã nộp đơn... Tao sẽ trở lại nơi tao ra đi. Với quê hương, với rừng núi, với những con người chất phác thật thà thủa xưa. Nơi từ hồi còn trẻ, tao đã rũ bỏ để ra đi như một kẻ vô tình, một kẻ vong ơn... Bây giờ liệu có còn dung nạp tao nữa hay không?

Điều đó mày khỏi lo. Quê hương bao giờ cũng rộng lòng với người trở về. Hơn nữa mày không phải là kẻ tội đồ. Mày sẽ được tha thứ, bảo bọc. Chỉ những kẻ gây tội ác, gây đau khổ cho quê hương. Gian tham, tàn ác với con người… mới đáng bị trời đất trừng trị. Mới đáng bị quê hương ruồng bỏ, nguyền rủa…?. Ừ thôi, mày cứ yên lòng đi đi. Có lẽ chúng tao cũng phải kiểm điểm lại mình. Những gì một thời được coi là “lý tưởng”, thì nay đã trở thành vô lý. Chúng ta là đám người nhẹ dạ, cả tin suốt cả một đời… Đã đến lúc phải hàn gắn những vết rách cuộc đời của chính mình. Tao tin là mày đã lựa chọn đúng. Nào nâng ly đi chúng mày. Tao khâm phục bài thơ của mày lắm. Thằng Thinh râu ạ. Cứ tưởng mày chỉ là thằng ham rượu, máu gái… Ai biết đâu mày còn biết làm thơ. Mà thơ rất tuyệt nữa ấy chứ. Ôi, cái thằng…

Ngoài sân bóng tối đã bao trùm xuống mặt đất. Những ánh đèn trên phố lấp lánh như những vì sao. Những vì sao ấy đã làm nên một cuộc “cách mạng” vĩ đại. Đã xua đuổi để chiếm đoạt vĩnh viễn sự sống của loài đom đóm, làm nên bộ mặt văn minh giả trá, tàn bạo. Những người đã đi qua một thời trong trắng cùng với nó, đã từng đánh mất mình trên con đường ảo vọng. Có bao người đã ngã quỵ trong cuộc đua chen. Bao người đã kịp dừng lại, đã từ bỏ để trở về với chính con người thật của mình. Một cuộc trở về muộn mằn nhưng là tất yếu. Như một quy luật của sự tồn tại…



Quê hương – 5/12/2005

Không có nhận xét nào: