Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Số 469-2017 - Lan man chuyện về cái... lí lịch?

Đôi điều về cái “BẢN SƠ YẾU LÍ LỊCH”

Ở Việt Nam ta có một thứ mà tất tần tật mỗi người đều phải ít nhất một lần dính líu tới nó. Ngoài cái “sổ hộ khẩu” ra (chỉ tồn tại ở 3 nước theo CNCS là TQ, VN và Bắc Hàn), đó là bản “Sơ yếu lí lịch”. Bất kể đi đâu, làm việc gì, học trường nào, xin việc, xin học ở đâu… Việc đầu tiên phải có bản “Sơ yếu lí lịch” này… Và tất nhiên phải được chính quyền địa phương xác nhận, đóng dấu đỏ hẳn hoi, và kèm theo một khoản "phí đóng dấu" kha khá. Nó là một thứ giấy tờ không thể thiếu trong mọi trường hợp. Mặc dù có nhiều thứ giấy tờ khác có nội dung tương tự như sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, bằng lái xe các loại… Chỉ cần tra tàng thư thì tên họ là gì, sinh ở đâu, cư trú chỗ nào. Bố mẹ tên gì, làm việc ở đâu. Chức vụ gì, là đảng viên hay không đảng viên… tất thảy đều có đầy đủ hết.

Mới đặt ra một câu hỏi: Vậy cái “Sơ yếu lý lịch” kia, mục đích là để làm gì. Xin trả lời ngay rằng: Thêm một lần nữa khẳng định tôi là ai, con ông bà nào, chức vụ gì, làm việc ở đâu, là đảng viên hay không đảng viên… (Thừa 100%). Chấm hết.

Câu hỏi và trả lời như trên có vẻ công khai, nhưng lại không bao giờ rõ ràng. Cái “Bản sơ yếu lí lịch” nó lại có một một câu trả lời rất… ẩn ý.

Ví dụ: Khi nhập trường đại học chẳng hạn. Trong hồ sơ nhập học bắt buộc phải có nó “bản sơ yếu lí lịch”. Muốn vào được kí túc xá. Cái nơi đất chật người đông ấy. Dân thành phố họ có nhà cửa tại chỗ, chả cần lắm. Họ lại chẳng có bao nhiêu so với tổng số SV nhập học. Hầu hết là dân ngoại tỉnh đến học, và đương nhiên cần… kí túc xá. Nhưng ở đây nó vấp phải vấn đề ưu tiên: “Thứ nhất gia đình thương binh liệt sỹ, có công với CM. Thứ đến con em cán bộ, đảng viên. Tiếp theo là con em vùng núi thiểu số. Và… chấm hết”. Và chỉ có trời mới biết có mấy cú điện thoại, hay một vài thư tay nào đó, dấm sẵn một phòng kí túc xá tươm tất nào đó, cho con một số vị đồng chí có số có má nào đó...!?

Điều đó nói lên cái gì?. Xin trả lời ngay rằng. Chỉ riêng việc bày ra chế độ ưu tiên thôi, thì đã thấy sự “phân biệt đối xử” rất rõ ràng. Con em nhân dân đừng có mơ vào được kí túc xá. Hãy mau chóng thuê nhà để còn kịp vào học… Đó là con đường tất yếu không thể tránh khỏi. Và chi phí cho con cái của nhân dân đi học, bắt buộc phải thêm khoản không nhỏ này. 

Xin việc: Bất cứ xin việc ở đâu. Dù cơ quan hành chính nhà nước hay DN nhà nước… (Hễ cứ cái gì dính đến chữ nhà nước) đều phải có bản “Sơ yếu lí lịch” ngoài những đơn từ, sổ hộ khẩu, bằng tốt nghiệp… Và cũng được xếp theo thứ tự ưu tiên như đã nêu ở trên (Chưa nói đến chuyện chạy chọt, đi đêm nào đó...!). Nhiều DN tư nhân cũng học đòi làm việc này. Thấy ngộ…?

Như vậy, chỉ một việc nhỏ thế thôi, cái nhà nước của đảng đã phơi bày rất rõ sự “PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ” ngay từ khi khởi đầu mỗi quá trình bước vào cuộc làm người của mọi công dân Việt Nam.

Bản “Sơ yếu lí lịch” chính là cái chứng cớ không thể chối cãi về “sự phân biệt đối xử” này. Chính Lão Độc khi đưa con nhập học đại học tại Hà Nội. Cũng đã vấp phải vấn đề nan giải như trên. Con nhà Lão không bao giờ dám mơ được vào kí túc xá… Vậy đấy.

Liệu người nghèo như Lão có thể tin, có thể yêu đảng với nhà nước được không chứ hử?

Ai cũng biết đảng ta lãnh đạo "duy nhất, toàn diện, triệt để". Chỉ có đảng viên mới được cất nhắc, bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, bất kể trình độ học vấn, tư cách, đạo đức… như thế nào. Còn con em dân chúng thì… đừng có mơ. Lão có hơn 40 năm làm việc trong cơ quan nhà nước, nên thấm thía lắm điều này. Với mong muốn được học tập để cống hiến cho đất nước. Năm nào Lão cũng nộp đơn xin đi học. Nhưng toàn thấy người khác được cử đi mà Lão thì… không. Khi biết họ được đi học bởi đều là đảng viên. Bức xúc quá, mới đến gặp GĐ chất vấn thì anh ta trả lời rất thẳng thừng rằng: “Tổ chức không có nhu cầu đào tạo anh”. Thế đấy…!?

Năm 1975 Lão vào tới Sài Gòn. Lão có cô bạn vừa học xong lớp 12 năm ấy. Cổ học giỏi, đang miệt mài ôn thi để hy vọng đỗ vào trường đại học. Nhưng tới 2 năm liền cổ có thi đều không trúng tuyển, mặc dù bài thi làm khá tốt. Bởi cổ là con một người lính VNCH chết trận… Thời đó, cái bản “lí lịch” nó nguy hiểm thế đấy. Ngoài cổ ra, còn hàng triệu hàng triệu thân phận khác cũng cùng chung cái vấn nạn “phân biệt đối xử” của đảng ta như vậy. Thực tế đã làm thui chột bao tài năng của đất nước. Bao cuộc đời đầy ắp ý chí phấn đấu, cống hiến... phải ngậm ngùi trong kiếp nghèo khổ dưới chế độ XHCN, luôn mồm tự nhận là “bội phần tươi đẹp” này.

Cái bản “Sơ yếu lí lịch” nó quan trọng đến nhường ấy. Có lần Lão nửa đùa nửa thật bảo với mấy anh đảng viên đồng nghiệp: Chế độ của đảng các anh sao lại có sự “phân biệt đối xử” tệ đến thế. Thì họ nhâu nhâu cãi lấy được rằng… không có chuyện ấy. Lão chỉ cười thôi. Cái trò cả vú lấp miệng em thì họ làm giỏi lắm. Bởi họ là đảng viên, và đảng của họ không bao giờ sai. Bởi chế độ này của đảng họ mà. Tranh luận phải trái với họ ư. Khác gì nói với cái... đầu gối.

Lão không có ý nói xấu ai hết. Chỉ nói những điều có thật, rất thật quanh cuộc sống của mỗi người dân Việt, dưới "chế độ XHCN vô cùng tốt đẹp" mà đảng ta luôn tự hào bấy lâu nay mà thôi.



Không có nhận xét nào: