Thứ Bảy, 6 tháng 5, 2017

Số 462-2017 - Hóng hớt cúi từng... (chuyện có thật không hề bịa).

CHUYỆN XÓM TÔI

Cái xóm nhỏ bé của tôi nằm ở trung tâm một thị xã nghèo. Năm tôi đủ lớn để biết, thì đó là nơi tôi và  gia đình tôi đang sống. Cách nay đã hơn 60 năm. Thời chiến tranh đã qua. Thời bao cấp cũng qua. Thời đổi mới “XHCN định hướng… cái mẹ gì đó" chắc cũng đang sắp… qua. Tôi từ một đưa trẻ trở thành thanh niên… và bây giờ là một lão già về hưu sống một mình, cô đơn trong cái ngõ nhỏ của cái thị xã nghèo xưa đó. Giờ đã được phong là thành phố… “cấp II”. Sự xô bồ của thời “kim tiền XHCN” mà có người gọi là “ thời CNTB hoang dã” đã khiến cuộc sống của chúng tôi trở nên bấn loạn. Trước mặt nhà tôi đang ở. Bên kia con ngõ chừng 3 m là cụm nhà của gia đình ông nguyên "tổ trưởng dân phố” (ổng là  nhân vật chính trong truyện ngắn “Bác tổ trưởng dân phố” của tôi hồi trước). Ổng đã kịp mua gần hết khu nhà của một bà góa già nua bất hạnh với giá rẻ mạt. Bà ta có tới 3 người con trai mà cả 3 đứa, không đứa nào biết bố chúng là ai…

Ông tổ trưởng dân phố tên là ông Đát. Nhưng do bị cảm gió nên cái lưng ông bị gù gập hẳn. Cái cổ ông cứng đơ không quay đi quay lại lại được. Muốn làm được việc đơn giản đó. Ông phải quay cả người. Bà con quen gọi ông là ông Đát Gù. Ông làm thợ may gia công ở nhà. Bà vợ không việc làm chỉ loanh quanh lo việc cơm nước cho ổng và bầy con sáu bẩy đứa, lốc nhốc vừa trai vừa gái... Cách dăm năm lại đây thấy ông già yếu lắm, nhưng vẫn rất chăm thể thao. Ngày nào ông cũng mũ cối bọc vải kiểu “thời điện biên phủ”. Tay cầm cái túi cũ. Lụi cụi lang thang khắp mấy khu phố đặng… không biết làm gì. Ông Đát hễ cứ gặp ai trong ngõ cũng kêu ca: Sao không có ai chào hỏi ông bà lấy một tiếng. Cả xóm già trẻ lớn bé đều cười mỉm không nói gì. Ông Đát chia cho hai thằng con trai út, mỗi đứa một phần đất sát nhau quay ra ngõ. Mỗi ô chừng hơn 40m2. Thế là cả hai thằng này cùng lúc làm 2 ngôi nhà khang trang 2 tầng, cao ráo uy nghi, mở cửa quay ra ngõ. Chuyện bắt đầu từ đây…

Thằng trai thứ nhất là anh. Chuyên nghề cờ bạc bịp. Chuyên mở sòng thâu đêm tại nhà. Vợ nó cũng là dân cờ bạc, cũng không nghề nghiệp. Nghe nói hai đứa gặp nhau trên xới bạc và trở thành… vợ chồng. Cô vợ chuyên chầu rìa xới bạc ăn hoa hồng. Vợ chồng nó có hai đứa con, một trai một gái. Mấy lần hết tiền, nợ nần lung tung. Thằng chồng trốn biệt tăm mấy tháng. Trở về không còn thấy ai đòi nữa. Ồi... cái thứ tiền cờ bạc ý mà. Đòi đã khó. Có khi lộ ra lại... khốn vào thân Vợ chồng thằng này nhiều lần chửi nhau cả đêm vang xóm, chả ai ngủ được. Bằng những lời chợ búa có thể nói là… không kém bà mất gà trong clip “chửi mất gà” trên TV.

Thằng thứ hai vốn là đứa trẻ ngang tàng. Mới hơn 10 tuổi đã bỏ học đi bụi, biết chém người. Bị bắt tạm giam 4 tháng. May mà lúc đó ông Đát còn đương chức “tổ trưởng dân phố” nên bỏ tiền đền người ta. Rồi chạy chọt thoát tội tù. Nhưng lớn lên thằng này biết lo tu chí. Nó mua công nông, rồi mua xe ô tô tải ben chuyên chở vật liệu xây dựng, phế thải trong thành phố. Tiền trong túi rủng rỉnh. Con vợ nó vốn không nghề nghiệp. Chuyên ở nhà đẻ và… trông hai đứa con. Cô dâu này của ông Đát vốn là dân anh chị bờ bụi có tiếng. Nó không biết làm gì để kiếm sống. Hàng ngày, hễ thấy chồng đi làm, là nó cả ngày la cà, tụ tập ngồi quán xá buôn chuyện hóng hớt, đề đóm, cờ bạc. Vay chỗ nọ đập chỗ kia. Nhiều bữa không nấu cơm ăn nên thường bị chồng chửi. Cái cách chửi của thằng chồng thật rất độc đáo, khó dùng chữ để tả. Nó là những ngôn từ của cái đám mới biết cái chữ thì bỏ học, chuyên trèo me trèo sấu, lêu lổng chốn thị thành… Mỗi khi bị chửi. Con vợ thường gân cổ cãi lại còn to hơn chồng…

Vào một ngày đầu tháng 4 năm 2017. Thằng chồng phát hiện ra con vợ nó mắc nợ đám cho vay nặng lãi, đám đề đóm, hụi họ với số tiền cả tỷ Cụ… Nó tức quá chửi bới om xòm, đòi tống cổ con vợ ngoan, dâu thảo nhà ông Đát ra khỏi cửa. Con vợ nó dứt khoát không chịu đi. Thằng chồng bèn báo công an, vu con vợ ăn cắp tiền của nó. Công an hính sự vào cuộc, mời con vợ nó lên phường bắt khai báo… Nhưng chỉ vài ngày sau vụ việc trở lại như cũ. Tưởng mọi chuyện đến đáy là yên… Con vợ trở lại nhà trông con như thường lệ. Và những cuộc chửi lộn giữa hai vợ chồng chúng cũng xảy ra rất… thường lệ. Thằng chồng phát hiện vợ nó ngoài cắm CMT nhân dân, sổ hộ khẩu, cắm "bìa đỏ" nhà nó. Lại còn nợ đám cho vay nặng lãi số tiền khá lớn, không có khả năng trả. Nó từ chối trả nợ thay và đe cắt chu cấp tiền bạc… vĩnh viễn?

Chuyện lên đến đỉnh điểm khi vào một đêm đầu tháng 5/2017… Cả xóm yên lành trong giấc ngủ mỏi mệt sau một ngày kiếm sống gian nan vất vả. Tỉnh dậy thì tất cả đều tá hỏa. Đám đòi nợ thuê từ lúc nào đã ném một bọc cứt to tướng vào cửa xếp nhà vợ chồng thằng trai út ông Đát. Bọc cứt vỡ tung tóe khắp cửa, khắp ngõ nhà nó. Do ban ngày có lệnh cấm xe tải vào thành phố. Thằng chồng đều phải làm việc từ 8 giờ tối đến mờ sáng hôm sau mới về đến nhà. Thì thấy cô vợ đang xách nước rửa cửa. Tuy nhiên do lười biếng, cẩu thả… con vợ chỉ rửa cái cửa của nhà nó. Dòng nước xả ra chảy dọc theo ngõ xóm, mùi hôi thối được thể lan tỏa lồng lộng khắp mọi nhà. Cả xóm la làng. Anh chồng vùng dậy mắt nhắm mắt mở, ngơ ngác nhìn quanh. Bỗng thấy mùi cứt xộc thẳng vào mũi. Nó tỉnh ngộ, bèn vung tay chửi vợ tưng bừng… Cả xóm chả ai bảo ai, cùng mang nước ra ngõ đổ lênh láng. Vung chổi khua roàn roạt cũng rất… tưng bừng. Hay một nỗi. Thấy chồng chửi. Con vợ cũng xắn quần, nhảy tưng tưng chửi lại hăng không kém…

Ông Đát không dám ló mặt ra khỏi cửa. Chỉ ở phía trong nói vọng ra “Cái loại con người không bằng con chó. Nuôi con chó nó còn biết giữ nhà. Nuôi con người để chúng ném cứt vào nhà thì… phí cơm”. Tiếng ông Đát lẫn vào tiếng chửi nhau chát chúa của cặp vợ chồng thằng con ngoan. Chỉ có nhà tôi ở sát cửa mới được vinh hạnh… nghe thấy tiếng ta thán của ông!?. Hình như ông bà Đát không nhớ câu "Con nhà tông, không giống lông thì cũng giống cánh" thì phải...!

Chuyện đến đây thì ngừng. Cả xóm chả có ai dám lên tiếng. Chỉ cắm cúi đổ nước quét phần cửa ngõ nhà mình. Bọn họ đều biết. Cứ vớ vẩn nói động đến đám con nhà ông Đát. Thì bất kể là già trẻ lớn bé, thế nào cũng bị chúng chửi lại, bằng nhưng lời thật… khó có bút nào tả nổi. Đám hàng tôm hàng cá ngoài chợ cũng phải tôn bằng… sư phụ.


Chả biết nên vui hay buồn cho cái ngõ xóm khốn khổ của tôi…!?


Không có nhận xét nào: