Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Số 59-2013: Truyện tình thời chiến tranh

Truyện ngắn

PHƯỢNG…

Lời tựa: Câu chuyện kể lại những điều đã xảy ra trong khoảng thời gian ngắn ngủi về mối tình đầu của tôi với Phượng. Cô giao liên thuộc “Thành Đoàn Sài Gòn”, một đơn vị biệt động bí mật. Những điều được viết ở đây mang những dấu ấn riêng tư và những tình tiết có thật, có văn… Nhưng nó ấp ủ bao điều tôi chưa nói được với Phượng. Nếu còn sống đến giờ, Phượng cũng đã gần 60, cái tuổi đã có quên có nhớ. Mong Phượng được an lành hạnh phúc trong cuộc đời. Mong lắm…

Năm 1974, tôi đã vào chiến trường được 5 năm, thì có tới 3 năm làm lính trinh sát sư đoàn. Trung đội tôi được phân công lập chốt tiền phương, phục vụ cho chiến dịch có tên “Chiến dịch Đường Bẩy Ngang”. Sau khi đánh chiếm thị trấn Dầu Tiếng. Địch rút lui về bên kia một nhánh sông nhỏ phía tây thị xã Thủ Dầu Một. Cây cầu sắt bắc ngang sông bị đánh xập. Lúc này chiến dịch đã kết thúc. Nhiệm vụ của đơn vị chỉ nhằm quấy nhiễu quân địch. Tạo điều kiện cho đơn vị đặc công nước vận chuyển vũ khí xuôi theo sông Sài Gòn, ém sẵn chuẩn bị cho đợt tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Chúng tôi cắm cứ ở một vạt rừng thưa hẹp men theo bờ sông Sài Gòn. Đầu rừng là bến đò nhỏ có tên Giồng Sỏi. Bến đò dường như đã bỏ hoang lâu rồi nên chẳng có con đò nào đậu bến chờ khách. Nơi đó thuộc địa phận xã Thanh An, quận Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Vạt rừng nhỏ đã có một đơn vị dân chính đóng cứ từ trước. Thời gian sau mới biết đây là một trạm giao liên thuộc cơ quan Thành đoàn Sài Gòn. Có nhiệm vụ đón các đội viên từ vùng địch ra vào căn cứ. Trạm chỉ có mấy người, hầu hết đều rất trẻ. Người lớn tuổi nhất mới chỉ ngoài 20. Anh tên Hai Sang. Hai Sang người thấp bé, chân đi vòng kiềng. Đôi mắt nhỏ sắc và nhanh như cắt. Mỗi khi nói chuyện với ai đôi mắt anh đều nhìn thẳng vào mắt người đối diện. Anh tỏ ra là người khá từng trải. Nghe anh Năm Thắng bảo: Ảnh nhỏ con vậy chớ giỏi lắm đó. Ngày trước anh vốn là thành viên băng cướp “Mặt Trời Đen” nổi tiếng miền Nam, từng là “anh hùng xa lộ”, chạy xe Honda rất giỏi. Sau được cảm hóa theo cách mạng. Ảnh từng trong đội biệt động đánh chiếm đài phát thanh Sài Gòn hồi Mậu Thân. Khi bị địch phản công ác liệt. Đồng đội dần hy sinh hết. Quân tiếp viện không tới… Anh vừa đánh vừa rút lên tầng thượng. Đạn hết mà địch quân đã sát gần. Anh bèn xoay người nhổ cái dù lớn gần đó lao người nhảy xuống… May nhờ dưới đường đang cực kì lộn xộn nên anh may mắn thoát được. Năm Thắng quê ở Hóc Môn, người vùng năm thôn vườn trầu nổi tiếng. Anh dáng người cao ngỏng. Sống mũi cao, mặt dài, dáng vẻ điềm đạm ít nói, nhìn hiền khô. Năm Thắng bảo: Ngoài anh Hai Sang ra thì hầu hết các anh chị em đều là học sinh sinh viên. Năm Thắng học kĩ thuật, Chín Hùng học canh nông. Út Phượng văn khoa, Tư Minh học luật… Út Phượng là cô em út trong trạm. Cô thường đi công tác vắng. Ngày nào ở lại trạm, cô lãnh trách nhiệm nấu ăn. Ngày đơn vị tôi tới đóng quân. Các anh chị cùng nấu ăn chung với đơn vị tôi.

Phượng dáng tầm thước, khỏe mạnh. Vẻ mặt thanh tú, đôi mắt to sáng rực rỡ. Đôi môi dầy đa tình, làn da trắng xanh, dấu tích của những trận sốt rét rừng. Phòng ở của Phượng là mái lều nhỏ thấp tè nằm nép dưới rặng tre ngà gần bếp ăn. Ngoài những ngày đi công tác. Phượng thường ở cả ngày trong phòng riêng. Chỉ khi nấu ăn mới len lén xuống bếp. Đơn vị tôi hơn chục người. Có một anh nuôi, thường chia nhau phụ anh nuôi nấu ăn.


Những ngày không phải đi công tác. Tôi hay nằm trên võng đong đưa, miệng tấm tỉ hát mấy bài nhạc vàng bắt chước trên dài phát thanh Sài Gòn. Chiều cuối năm nhạt nắng. Mấy cánh lá đỏ lắt lay rơi chao nghiêng bên cánh võng, trên lối mòn quanh co vắng lặng. Lòng người thêm cô quạnh, thấy mình bơ vơ lạc lõng giữa rừng xa heo hút. Những lúc đó tôi lại nhớ nhà, nhớ trường, nhớ bạn đến nao lòng. Từng ngọn gió đuổi nhau trên đám cây thấp ven bờ sông nghe lao xao, khe khẽ. Tôi nghêu ngao hát “Nếu có lần em gõ cửa ghé thăm. Ngõ vắng đìu hiu khung cảnh âm thầm. Em ơi người xưa đã ra đi. Không gặp em phút phân ly. Không hôn bờ mi nhỏ lặng im…”. 

Thi thoảng tôi sang chơi bên phòng của Út Phượng. Thường hai đứa chỉ ngồi lặng im, nhìn ra khoảng trống bên ngoài. Những vệt nắng xuyên qua tàn cây trải xuống nền cỏ vừa đủ để chúng xanh hơn. Cái cảm giác bất chợt làm cho tâm tư mỗi người thêm chút bình yên. Lâu lâu mới nói mấy câu chuyện nhỏ bâng quơ. Thấy Phượng chỉ cười hiền… Em nói nhỏ: Anh là bộ đội quân giải phóng, mà lại hát nhạc vàng thì… lạ thật. Tôi cười: Nhạc gì thì cũng chỉ là nhạc. Anh hát những bài hát mình thích thôi. Vả lại đâu chỉ có mình anh thích những bản nhạc đó. Đồng đội của anh rất nhiều người thích. Có mấy người còn hát rất hay nữa đó, có chi lạ đâu… Mấy hồi Phượng đòi nghe tôi hát. Tôi bảo: Mỗi khi hát những bản nhạc tình, anh lại thấy lòng mình lắng dịu lại. Phượng cười: Vậy anh hát đi. Bài nào Phượng cũng thích cả… Phía bên ngoài vách lá vừa vẳng lại tiếng động khe khẽ. Dường như có tiếng chân ai vừa lướt qua, nghe như tiếng lá rơi…

(còn nữa)

Không có nhận xét nào: