Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

Số 60-2013: Truyện tình thời chiến tranh. (tiếp)

Truyện ngắn

PHƯỢNG… (tiếp)


Tuần đó tôi được phân công phụ làm anh nuôi. Sáng ra đến bếp thấy chỉ còn mấy thanh củi nhỏ. Anh nuôi bảo. Phải đi kiếm thêm củi về mới có cái mà chụm chớ. Mấy thanh này chẳng đủ nấu nổi bữa cơm đâu. Tôi hỏi: Anh ơi, kiếm củi ở đâu bây giờ. Phượng bảo: Tui biết chỗ có củi, nhưng hơi xa. Anh hai đi với tui. Tôi nhìn Phượng lo lắng. Đi bằng gì mới được chớ?. Phượng bảo khẽ: Khác có… Nói rồi Phượng thoăn thoắt đi trước, tôi vác dao lẽo đẽo theo sau. Thì ra trạm giao liên của Phượng có một chiếc xuồng nhỏ được giấu kín dưới tàn cây rậm nơi đầu con rạch. Phượng nhanh tay thả dây buộc bước xuống xuồng giục: Anh hai xuống đi… Tôi đàn ông con trai, ai lại để Phượng chèo chớ. Phượng cười cười: Bộ anh hai biết chèo sao?. Biết chớ. Lỡ nay mai về làm rể miền tây, đặng đỡ bị chê là… cù lần ha. Vừa nói tôi nắm mái chèo đẩy xuồng ra phía sông.

Nè… sao các anh chị bên Phượng ăn uống khem khổ thế. Bọn anh ngày cân gạo, thực phẩm trên cấp. Dù không đủ, nhưng cũng còn có mắm có muối. Coi bộ….

Ừa, vậy đó anh hai. Bọn Út một ngày chỉ được cấp nửa kí lô gạo. Còn tất cả thì… tự túc. Chiến tranh nhân dân mà, phải dựa vào dân thôi anh. Có lúc địch càn liên miên. Bọn Út phải nhịn đói thường đó…

Ừa… địch càn thì ráng chịu, chớ cứ nhịn dài dài thì sống sao nổi chớ.

Các anh ngày đêm chiến đấu với giặc, sống chết ai biết là đâu, được thế thì có chết cũng…?

Không phải… Nhưng một ngày nửa cân gạo, rồi không có gì. Làm cách mạng mà thế thì…?.

Anh hai nói vui rồi. Khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến’ bộ anh quên rồi sao?. Các anh chị ở cứ thì đói chút xíu có hề gì. Hơn nữa, đám sinh viên vốn ăn uống cảnh giả, bữa ăn hết mấy mà lo. Vẫn ráng chịu đựng được dài dài. Vào mặt trận được dân nuôi cũng khá hơn. Nhưng là nói thì thế, có phải ai cũng vào mặt trận được đâu. Phải do tổ chức quyết định. Vào vùng địch lộ cái là bị bắt ngay… Cứ coi anh hai anh năm hồi đó bị lộ, đã ở cứ bao năm… gầy ve hà, thấy tội quá…!

Vậy là ai cũng muốn vào mặt trận để…

Phượng xua tay. Không phải, anh hai nói lạc đề rồi. Sống với dân, được dân nuôi, có thịt có cá, có canh, có rau… . Mình rảnh tay lo làm cách mạng. Nhưng đổi lại từng phút từng giây đầy bất trắc. Ở cứ không làm được gì nhưng an toàn. Nửa cân gạo một ngày cũng vẫn sống được mà, có chết đói đâu mà sợ?.

Chiếc xuồng nhỏ lách ra khỏi con lạch men theo ven bờ sông, khoảng chừng mấy kí lô mét thì rẽ ngang vượt sang bờ bên kia. Lại đi một lúc lâu nữa thì tắp vào một dải rừng tre um tùm. Phượng thoăn thoắt bước lên bờ cột xuồng nói nhanh: Anh hai lên đi. Tôi lúi húi bước theo. Vào sâu chừng vài chục mét thì hiện ra một vùng rừng tre bị bom cày nát, cây đổ ngổn ngang. Mấy bụi tre lớn bị bom đốt cháy đã khô. Phượng bảo: Đây là cứ cũ của đơn vị. Bị bom đánh trúng mới chuyển về bên đó được hơn năm. Tôi xăm xắn trèo lên bụi tre lớn, ngoái lại bảo: Anh chặt cây ném xuống. Phượng ở dưới nhặt rồi xếp xuống xuồng nha. Nói rồi tôi vung dao chém nhanh. Chỉ khoảng hơn một giờ thì chiếc xuồng đã đầy khẳm. Phượng bảo: Anh hai ngừng tay thôi. Mình dìa…! Ừa anh xuống đây. Lúc bấy giờ tôi mới hay khắp mình tôi kiến vàng đã bám đầy, đang cắn nhoi nhói… Hóa ra mình leo lên cây chặt động phải tổ kiến. Chúng bu đầy người từ bao giờ không hay. Tôi vội nhảy xuống nước tính để lũ kiến bị ngập nước sẽ rơi ra. Phượng cười ngặt ngẽo bảo: Anh hai hồ đồ rồi. Lũ kiến này chỉ sợ lửa chớ không có sợ nước đâu. Tôi vội cởi áo rũ mạnh để lũ kiến văng ra. Hồi lâu mới lóp ngóp lên xuồng. Phượng cười ỏn ẻn bảo: Bộ anh hai chưa bao giờ bị kiến vàng bu sao? Tôi ậm ừ… Chưa. Hèn chi. Tôi ngửng đầu nhìn Phượng. Đôi má em đỏ bừng bết mồ hôi. Đôi môi màu hồng nhạt hơi mím lại. Tôi leo lên xuồng, nhanh tay vắt nước chiếc áo quân phục, khoác vào người rồi nhoài người định nắm mái chèo. Chiếc xuồng nhỏ chòng chành khiến tôi mất thăng bằng lại ngã nhào xuống nước. Phượng bật cười ngặt nghẽo. Nói rồi ngửng nhìn trời: Hình như sắp có giông đó anh hai. Thôi để Út chèo cho chắc ăn. Tôi cười cười: Chắc không đó. Bộ anh hai chê con gái Mỹ Tho không biết chèo xuồng ha. Tui chỉ không biết lội thôi, chớ chèo xuồng thì… Chiếc xuồng rời bờ đâm xiên ra giữa dòng. Mấy con sóng nhỏ lăn tăn vỗ mạn xuồng ì ọp. Phượng vươn người đẩy mái chèo. Dáng em nghiêng nghiêng đổ dài dưới nắng chiều vàng óng. Mấy giọt nắng xiên xiên chiếu trên vạt áo em cứ ánh lên. Mảnh áo bà ba xanh nhạt chợt lung linh đến lạ. Tôi lặng lẽ cúi xuống xóa vội ý nghĩ lạ lùng vừa xô đến. Lòng xáo động biết bao điều mới lạ. Tôi hỏi câu bất chợt: Phượng bao nhiêu tuổi vậy?

Em cười cười nói trỏng: Anh hai kì ghê cơ. Con gái Nam mà hỏi tuổi là kì lắm đó. Ừa anh xin lỗi. Nhưng… nhưng…!. Phượng lại cười cười. Phượng 19, tính luôn cả tuổi ba má sanh thì vừa hai mươi đó anh. Ừa… vậy sao. Anh năm nay hai bốn. Vậy là lớn hơn Phượng tới bốn tuổi lận ha. Phượng mỉm cười. Út cũng đoán vậy mà. Nên mới chịu kêu là anh hai chớ bộ.

Nhưng… sao biết anh thứ hai chứ?

Con gái mà anh. Muốn là biết liền hà…


Tôi giật mình. Thì ra Phượng để ý tôi từ hồi nào không biết. Một cơn gió mát lạnh thốc tới. Phượng ngước nhìn trời rồi nói: Anh hai ngồi vững nha. Sắp có giông rồi đó. Để tui ráng đưa xuồng sang bên kia bờ trước, đặng men theo đó có gì… Mưa giông đến sẽ có sóng lớn, dễ lật xuồng lắm đó. Phượng nghiêng mình đẩy mạnh mái chèo. Chiếc xuồng nhỏ phăm phăm lao ra giữa dòng sông rộng. Phía trước mưa đã nặng hạt. Mặt sông chợt mờ trong làn nước mưa trắng đục. Từng cơn gió mạnh quất ngang. Phượng lựa sóng chèo xuồng men theo bờ nước. Bỗng một cơn gió quật mạnh tới khiến chiếc xuồng lạng đi. Phượng la ối rồi ngã nhào xuống nước. Tôi vội chồm tới đưa tay với theo nhưng không kịp. Chỉ thấy mặt nước như đang sôi trào lên. Tôi ngã nhào theo. Từng cơn sóng chồm vào mặt rào rạt. Chiếc xuồng xoay ngang lập lờ giữa làn nước nhấp nhô sóng. Tôi hoảng hốt khua tay tìm Phượng. Bỗng tay tôi chạm vào vạt áo Phượng đang ngập chìm trong làn nước lạnh. Tôi vội nằm ngửa theo tư thế bơi ếch cố dìu Phượng vào bờ. Phượng mềm oặt trên tay tôi. Cách bờ khoảng gần chục mét có một tàn cây thấp rậm rạp. Tôi kéo Phượng lại bên gốc cây, đưa tay huơ lên mũi thấy không có hơi thở. Tôi cuống quá không biết làm sao, cứ lay gọi liên hồi. Chợt nhớ hồi huấn luyện có dạy cách cấp cứu đồng đội ngộp nước. Tôi đặt tay lên giữa ngực Phượng ấn mạnh từng nhịp, miệng thầm đếm một hai ba bốn. Tôi vội hít một hơi dài. Tay trái bịt mũi Phượng ghé miệng thổi mạnh. Một lúc lâu vẫn không thấy Phượng cử động. Tôi vội cởi hết khuy áo ngoài, rồi áo ngực ra. Lại đặt hai tay lên giữa ngực Phượng ấn mạnh liên hồi. Lại thổi hơi, lại ấn mạnh lên ngực… Bỗng Phượng giật mạnh người, miệng ộc ra một búng nước lớn. Tôi vội lay Phượng giọng thảng thốt. Phượng ơi… em có sao không…?. Phượng vẫn nằm im thở dốc. Miệng trào thêm mấy búng nước lớn nữa… Tôi lần tìm chiếc bật lửa Zippo chiến lợi phẩm do một người đồng hương tặng. Bật mãi mới bén lửa, bèn quài tay vơ vội đám lá khô dưới gốc cây. Hồi lâu thì đốm lửa cũng bập bùng tỏa hơi ấm ra xung quanh. Miệng Phượng ú ớ điều gì đó nghe không rõ. Tôi đưa tay gỡ đám tóc rối vương trên gò má xanh xao tái nhợt của Phượng. Không biết rồi các anh đơn vị có hiểu cho hoàn cảnh chúng tôi lúc này không. Nói dại lỡ Phượng có bề gì thì biết ăn nói làm sao... Nghĩ vậy, tôi càng ôm chặt hơn thân hình giá lạnh của Phượng. Bao nhiêu nỗi lo lắng chợt đến chợt đi không thể nào lý giải được.

(còn nữa)

2 nhận xét:

Đinh Công Tử. nói...

Hình như ladochanh thích cảm giác lạ thì có ! Chứ chứ việc gì phải cởi áo người ta rồi lại còn ôm người ta mãi nữa chứ.

Unknown nói...

Cấp cứu ngộp nước thì phải... cởi hết ra chớ. Đặng còn... Hé hé hé.