Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Số 110-2013: Truyện... (tiếp)

CỤ TRẺ VỀ LÀNG (tiếp)

Dạ thưa cụ trẻ. Nuôi chó thì dễ, mà dạy nó nên người mới khó. Tuy nó không biết nói, nhưng cháu bảo gì nó đều hiểu cả. Dạ cháu mời cụ trẻ cạn ly ạ. Thằng cháu trưởng họ hai tay đỡ ly rượu đưa tận tay cụ trẻ. Con chó nhướng mắt nhìn theo nhưng vẫn nằm im.

Tiệc tàn, các bô lão trong họ đều đã về nhà. Chỉ còn Cụ trẻ với Trưởng họ vẫn say sưa đàm đạo. Dạ thưa cụ trẻ. Có chuyện này cháu phải kể để cụ trẻ tỏ tường ạ. Cụ nhìn đây. Thằng cháu đưa tay chỉ lên bệ thờ. Một chiếc hộp bằng gỗ quý đã lên nước đen bóng, bên ngoài giát đồng đã xỉn màu, đặt ngay ngắn trên chiếc kệ sơn son thếp vàng chính giữa. Đó là di vật của tổ tiên để lại. Nhưng nó cũng đã trải qua thăng trầm mấy bận đấy ạ. Cuối cùng thì nó vẫn được bảo toàn, dù có hao hụt mất mát khá nhiều.

Chuyện là sao? Mày nói ta chả hiểu gì sất?

Dạ để cháu từ từ kể ạ. Đó là kỉ vật tổ tiên để lại đã truyền đến 5 đời rồi. Khi Cụ Cố tổ mất đi có dặn: Cụ cả đời theo cách mạng, chả có cái gì, chỉ còn mỗi vật kỉ niệm này mang về thôi. Con cháu đời sau phải giữ gìn cẩn trọng. Theo di huấn của cụ Cố tổ. Cả họ lập tức huy động con cháu các đời góp mỗi người một ít, người giàu góp nhiều, nhà nghèo góp ít. Ông nội cháu phải lặn lội ra tận làng nghề Đồng Kỵ để mời một người thợ già về đây mang theo gỗ quý, đóng chiếc hộp này để giữ gìn kỉ vật của dòng họ. Kế đến số tiền gom góp được của làng, của họ cũng được khoảng 30 cây vàng. Tu sửa đình làng miếu mạo hết 20 cây, 10 cây còn lại đem giát lên chiếc hộp gia truyền kia.

Nhưng mà vàng thì phải sáng chớ. Sao nó lại xỉn thế kia.

Dạ thưa cụ trẻ, chuyện còn dài lắm. Một dạo có ngài quan văn hóa trên tỉnh về thăm bảo là: Đền đình miếu mạo là đặc trưng của nền văn hóa xứ Việt ta. Nhất là đình làng họ ta có vật quý như thế. Coi như là tài sản quốc gia. Nhà nước có trách nhiệm quản lý gìn giữ. Ông nội cháu bảo: Đây là của gia bảo của dòng họ, do cháu con mấy đời quyên góp mà thành. Của làng của họ chúng tôi chứ đâu phải của quốc gia mà đòi… quản lý chứ. Ngài quan văn hóa không nói gì.

Mấy tháng sau có quan trên về lập dự án xây đô thị mới trong xã. Dân trong họ không chịu nhận tiền đền bù rẻ mạt, đấu tranh chống lại. Một buổi sáng sau đó có rất đông công an về cưỡng chế. Đòi phá đình để giải tỏa. Dân làng kéo nhau ra đình đông nghẹt quyết giữ… Đám giải tỏa không dám phá đình. Nhưng công an ở trên về tịch thu cái hộp. Ông nội cháu hô: Thằng đích tôn đâu rồi. Cháu chạy đến, cụ bảo: Muốn gì thì gì. Cái hộp không thể để chúng lấy di. Cháu hô: Bớp, mày lấy cái hộp lại. Con Bớp hực lên một tiếng nhảy bổ lên lao vút về phía đường làng. Nó chồm lên trên ngực thằng đó hai chân vồ chiếc hộp. Hàm răng tua tủa há ngoác ra. Thằng kia sợ quá vứt cái hộp bỏ chạy. Nhưng nó bị cắn văng một miếng thịt trước ngực, máu chảy lênh láng. Một thằng khác vung gậy cao su lao vào cứu bạn bị nó cắn xả vai, máu chảy lễ loại… Con Bớp ngoạm cái quai hộp lặc lè tha về… Lần ấy không bị… mất.

Từ đó làng cử chú Lọi, cái ông cầm loa thông tin viên ấy, ra ngủ đình trông hộp. Ổng rượu say ngủ quên. Sáng ra thì cái hộp biến mất. Nghi là trộm lấy cắp. Ông nội cháu mới gọi đám thanh niên làng lại bảo. Của gia bảo họ nhà ta đã truyền lại mấy đời rồi. Nay bị mất thế này thì còn mặt mũi nào gặp tổ tiên nữa. Tội này nặng lắm. Ông lệnh cho các cháu phải tìm về bằng được.

Vậy rồi có tìm được không?

Dạ có chứ ạ. Chuyện ở làng quê có gì qua nổi mắt dân đâu. Có người nhìn thấy mấy thằng ôm cái hộp lên chiếc xe biển xanh. Có chụp cả hình, ghi cả số xe cẩn thận. Thế là phanh phui ra kẻ cắp. Làng phát đơn kiện. Chiếc hộp được đưa về công an tỉnh làm tang vật vụ án. Người ta bắt thằng ăn cắp, xử nó ba năm tù, phạt 30 triệu đồng xung công quỹ. Cả làng phấn khởi rước của gia bảo về đình, đặt vào vị trí cũ kia.

Nhưng sao nó lại xỉn đi thế hử.

Dạ, đồng thau thì sao không xỉn được chứ ạ.

Thế… ta tưởng là giát bằng vàng y cơ mà.

Cháu cũng không biết. Lúc mới mang về nó sáng loáng. Nhưng chỉ nửa tháng sau là nó bỗng… đổi màu như bây giờ đấy ạ. Lúc đó mới vỡ lẽ, toàn bộ vàng dát bên ngoài đã được thay bằng… thứ đó đó.

Cháu ơi… Ta mưốn coi vật gia bảo của dòng họ nhà mình có được không.


(còn nữa)

Không có nhận xét nào: